Sự thật về quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân của Ukraine vào những năm 90

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều chính trị gia và nhà bình luận đã tiếc nuối về ngày tháng 1/1994, khi Tổng thống Bill Clinton và Boris Yeltsin gây áp lực buộc Ukraine phải dỡ bỏ vũ khí hạt nhân.

Sự thật về quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân của Ukraine vào những năm 90- Ảnh 1.

 Cựu Tổng thống Mỹ Clinton, nhà lãnh đạo Nga Yeltsin và cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk. Ảnh IT

Những tên lửa này từng do Liên Xô kiểm soát nhưng vẫn còn nằm trên đất của quốc gia Ukraine mới độc lập. Một số người cho rằng nếu Ukraine giữ lại số vũ khí hạt nhân đó, có thể đã ngăn được cuộc chiến hiện nay và việc Crimea sáp nhập vào Nga.

Trong những khoảnh khắc giận dữ, ngay cả tổng thống hiện tại của Ukraine, Volodymyr Zelensky và một số trợ lý hàng đầu của ông cũng lập luận rằng những người tiền nhiệm của họ lẽ ra không nên từ bỏ vũ khí hạt nhân vì lý do đó.

Tuy nhiên, các tài liệu được giải mật gần đây - được Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia, một nhóm nghiên cứu tư nhân, thu thập thông qua một vụ kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin - tiết lộ rằng lập luận này là vô nghĩa.

Các tài liệu dựa trên bản ghi lại các cuộc trò chuyện liên quan đến cựu Tổng thống Mỹ Clinton, nhà lãnh đạo Nga Yeltsin và cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk, tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử về các mối quan hệ rộng rãi hậu Chiến tranh Lạnh, được tổ chức tại Moscow và Kiev đúng 30 năm trước – tiết lộ rằng, thời điểm đó  Ukraine thiếu nguồn lực để duy trì gần 1.700 vũ khí hạt nhân của Liên Xô trên lãnh thổ của mình, nhiều trong số đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sắp hết thời hạn sử dụng. Thêm vào đó, ông Kravchuk và hầu hết các chính trị gia Ukraine đều mong muốn vứt bỏ vũ khí vì sợ rằng lõi hạt nhân của họ có thể tan chảy theo cách gợi nhớ đến thảm họa nhà máy điện Chernobyl xảy ra ở Ukraine chỉ 8 năm trước đó. 

Tất cả những người có liên quan bao gồm các tổng thống, các nhà ngoại giao đã dành nhiều tháng để đàm phán các điều khoản chính xác, và các quan chức Anh, những người sau này cũng đã ký thỏa thuận - đều coi đây chủ yếu là một biện pháp nhằm thúc đẩy an toàn hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua một dự luật - được đặt tên theo các nhà tài trợ của nó, Đảng viên Đảng Dân chủ Sam Nunn và Đảng viên Đảng Cộng hòa Richard Lugar - để chi trả cho việc dọn dẹp và tháo dỡ vũ khí hạt nhân trên khắp Liên Xô cũ. (Thỏa thuận được ký vào tháng 1/1994 cung cấp "tối thiểu" 175 triệu USD cho Ukraine vì mục đích này). Ngoài ra, Mỹ và Nga đang đàm phán hiệp ước kiểm soát vũ khí SALT II, trong đó yêu cầu loại bỏ SS-19 và SS 24 ICBM bên trong Ukraine.

 Cuối cùng, Yeltsin đã xí xoá cho Ukraine hàng núi nợ dầu khí do Nga cung cấp, còn Clinton hứa sẽ thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nước G7 thanh toán phần năng lượng nhập khẩu của Ukraine trong tương lai. Tại cuộc gặp với Clinton, theo bản ghi nhớ về cuộc trò chuyện của họ, Kravchuk nói: "Khi chúng tôi ổn định được đồng tiền và đầu tư tư nhân cho Ukraine, thì mọi người sẽ hiểu rằng thỏa thuận được ký bởi ba tổng thống (để loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Ukraine) là bước khả thi duy nhất". Tại cuộc gặp với cả Clinton và Yeltsin hai ngày sau, Kravchuk nói: "Không có giải pháp thay thế nào cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân".

Hiệp định Mỹ-Nga-Ukraine - mà một trong những trợ lý hàng đầu của Clinton gọi là "thành tựu đỉnh cao của hội nghị thượng đỉnh" - có thể bị coi là sự phản bội Kiev theo một nghĩa nào đó. Hai ông Clinton và Yeltsin đã hứa với Ukraine "đảm bảo an ninh đầy đủ, như một dấu hiệu của tình hữu nghị và tình láng giềng tốt đẹp". Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định "nghĩa vụ kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào", bao gồm cả Ukraine.

Cuối năm đó, tại một hội nghị ở Budapest, Mỹ, Nga và Anh đã chính thức hóa những đảm bảo an ninh đó cho Ukraine, Belarus và Kazakhstan (hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sau này cũng đã từ bỏ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ), để đổi lấy việc họ ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo Dân Việt