Căng thẳng gia tăng, ngày càng nhiều người Mỹ coi Trung Quốc là 'địch thủ'

Theo kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và muốn chống lại ảnh hưởng đó.

Khoảng 42% số người được hỏi cho biết họ coi Trung Quốc là địch thủ của Mỹ – tăng từ mức 34% vào năm 2021 khi tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington bắt đầu đặt câu hỏi khảo sát.

Kết quả khảo sát được công bố hôm 1/5 cũng cho thấy, 71% người Mỹ tin rằng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đang gia tăng trong những năm gần đây.

Gần một nửa số người được hỏi cho rằng việc hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cùng với việc bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố và kiềm chế dòng ma túy bất hợp pháp vào nước này.

Căng thẳng gia tăng, ngày càng nhiều người Mỹ coi Trung Quốc là 'địch thủ'- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp thượng đỉnh ở California (Mỹ), vào ngày 15/11/2023. Ảnh: New York Times

Theo tờ Los Angeles Times, mối lo ngại của người Mỹ ngày càng gia tăng khi các vấn đề mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng tăng và các ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã bày tỏ lo ngại về tác động của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ đối với các ngành công nghiệp Mỹ. Khoảng 2/3 số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Pew tin rằng Trung Quốc có tác động tiêu cực đến điều kiện kinh tế Mỹ.

Tổng thống Biden gần đây đã kêu gọi tăng gấp ba lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc để nhắm vào cái mà ông gọi là "các hoạt động thương mại không công bằng" của Trung Quốc.

Và trong chuyến đi tới Bắc Kinh vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nêu ra vấn đề "dư thừa công suất" trong ngành sản xuất ô tô điện và các mặt hàng năng lượng sạch khác của Trung Quốc.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác ở Bắc Kinh để thảo luận về những nguyên nhân gây căng thẳng âm ỉ kéo dài.

Ông Blinken cho rằng cần phải ngăn chặn hoạt động cung cấp fentanyl từ Trung Quốc sang Mỹ, đồng thời cảnh báo Trung Quốc ngừng cung cấp công cụ và công nghệ cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

"Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tấn công Ukraine nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tôi đã nói rõ rằng nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề này thì chúng tôi sẽ làm", ông Blinken nói trong cuộc họp báo hôm 26/4.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích Mỹ sử dụng chính sách thương mại và các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Ông Vương cũng nhắc lại những lo ngại của chính phủ Trung Quốc về sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Đài Loan.

Theo Los Angeles Times, các cuộc họp cấp cao diễn ra sau khi Mỹ thông qua dự luật phân bổ 8 tỷ USD tài trợ cho Đài Loan (Trung Quốc). Dự luật mà Tổng thống Biden đã ký vào tuần trước cũng sẽ cấm TikTok hoạt động ở Mỹ nếu công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc này không bán hoạt động kinh doanh ứng dụng video ngắn của mình cho một pháp nhân chỉ định tại thị trường Mỹ.

Để khảo sát thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc, các nhà nghiên cứu của Pew đã đặt câu hỏi với 3.600 người Mỹ trưởng thành qua thư, tin nhắn và email trong tuần đầu tiên của tháng 4.

Cuộc khảo sát cho thấy, 81% người Mỹ trưởng thành có quan điểm không tích cực về Trung Quốc, giảm nhẹ so với mức 83% vào năm ngoái nhưng vẫn gần mức cao nhất từng được ghi nhận tính từ năm 2005.

Dư luận Mỹ đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2017, khi khoảng 47% số người được hỏi có quan điểm không tích cực và 43% có quan điểm tích cực về Trung Quốc.

Theo Đời sống Pháp luật