Nhật Bản đối phó cuộc khủng hoảng thiếu ngủ

Các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về giấc ngủ cảnh báo cuộc khủng hoảng thiếu ngủ tầm quốc gia có thể gây hậu quả nặng nề cho xã hội.

 

Nhật Bản hồi tháng 2 công bố hướng dẫn mới về giấc ngủ cho người dân, khuyến nghị trẻ sơ sinh 1-2 tuổi nên ngủ 11-14 tiếng mỗi ngày, trẻ 3-5 tuổi ngủ 10-13 tiếng, học sinh tiểu học 9-12 tiếng, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông là 8-10 tiếng. Người trưởng thành ngủ ít nhất 6 tiếng và người lớn tuổi không ngủ quá 8 tiếng mỗi ngày.

Naohisa Uchimura, giáo sư Đại học Kurume, giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Nhật Bản, cho rằng "nội dung hướng dẫn rất tốt nhưng câu hỏi là làm thế nào để phổ biến chúng đến người dân Nhật Bản".

"Sau chiến tranh, người Nhật cắt giảm thời gian ngủ và dành nhiều thời gian hơn cho học tập, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao trình độ học vấn. Bây giờ họ đang trả giá. Tuổi thọ trung bình cao nhưng số năm sống khỏe không cao, mức độ hạnh phúc cũng thấp. Chúng ta cần suy ngẫm lại", ông Uchimura nói.

Khách hàng thử nghiệm dịch vụ đo chuyển động của người, tiếng ngáy, hình ảnh gương mặt khi ngủ trong một khách sạn con nhộng ở Tokyo ngày 16/5/2022. Ảnh: AFP

Khách hàng thử nghiệm dịch vụ đo chuyển động của người, tiếng ngáy, hình ảnh gương mặt khi ngủ trong một khách sạn con nhộng ở Tokyo ngày 16/5/2022. Ảnh: AFP

Nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2021 thực hiện cho thấy người Nhật trung bình ngủ 7 tiếng 22 phút mỗi đêm, mức ít nhất trong số 33 quốc gia được nghiên cứu. Dữ liệu thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2019 cho thấy trung bình 37,5% đàn ông và 40,6% phụ nữ ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm.

Một nghiên cứu khác do Đại học Tokyo tiến hành và công bố hồi tháng 3 kết luận học sinh tiểu học năm cuối ở Nhật Bản ngủ 7,9 tiếng mỗi đêm, học sinh năm cuối cấp hai ngủ 7,1 tiếng và học sinh năm cuối cấp ba ngủ 6,5 tiếng. Thời lượng này ít hơn nhiều so với thời lượng ngủ tối thiểu để đảm bảo sức khỏe.

Đây không phải lần đầu Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra hướng dẫn giấc ngủ. Trước đó, bản hướng dẫn năm 2014 liệt kê 12 điều, khuyến nghị "giấc ngủ ngon góp phần ngăn ngừa các bệnh liên quan lối sống", và kêu gọi người dân cải thiện chất lượng giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc.

Tiến sĩ Masashi Yanagisawa, giám đốc Viện Y học Giấc ngủ Quốc tế thuộc Đại học Tsukuba, cho rằng cần tiến hành chương trình giáo dục toàn diện để tránh tình trạng người dân ngày càng thiếu ngủ.

"Vấn đề nằm ở giáo dục", Yanagisawa nói. "Có quá nhiều người ước mỗi ngày có 28 tiếng để họ làm được nhiều việc hơn, học được nhiều hơn, sau đó về nhà, có thời gian giải trí nhiều hơn, cuối cùng mới đến giờ đi ngủ. Họ coi giấc ngủ là thứ không quan trọng, đây là sai lầm rất lớn".

Ông cho rằng mọi người cần coi giấc ngủ "như khoản vay mua nhà, dành ưu tiên cho nó hàng ngày và ngủ đủ giấc". Để làm được điều này, tiến sĩ Yanagisawa đề nghị mọi người "dành riêng 7-8 tiếng để ngủ, sau đó bố trí những việc khác như học hành, công việc, giải trí vào thời gian còn lại".

Ông cảnh báo hậu quả của việc ngủ không đủ giấc là sức khỏe tinh thần và thể chất suy giảm, hiệu suất làm việc và học tập kém hơn.

Các chuyên gia tin rằng áp lực xã hội khiến con người khó ngủ hơn. "Suốt nhiều năm, người Nhật Bản luôn được dạy bảo rằng phải học tập chăm chỉ hơn, phải làm việc nhiều hơn", Yanagisawa nói. "Tính chuyên cần được đánh giá cao và luôn tồn tại áp lực buộc người ta phải siêng năng hơn".

Theo ông, người Nhật quan điểm người hay ngủ là người lười và suy nghĩ này đã ăn sâu vào tâm trí trẻ em khi còn học tiểu học, nghĩa là các em "phải hy sinh bản thân" từ lúc nhỏ.

"Tôi có thể nói rằng đa số học sinh Nhật Bản đều thiếu ngủ. Điều này trở thành vấn đề các em coi là bình thường cho đến hết đời", Yanagisawa nói.

Giáo sư Naohisa Uchimura trả lời phỏng vấn hồi tháng 1 ở Kurume, Fukuoka. Ảnh: Mainichi

Giáo sư Naohisa Uchimura trả lời phỏng vấn hồi tháng 1 ở Kurume, Fukuoka. Ảnh: Mainichi

Izumi Tsuji, giáo sư văn hóa xã hội học ở Đại học Chuo, Tokyo, cho hay thời còn đến trường, "ông chỉ ngủ 5-6 tiếng mỗi đêm" bởi còn phải học tập, nghe radio hay tivi. Ngày nay, khi mạng xã hội đầy ắp thông tin, các yếu tố gây xao nhãng giấc ngủ của trẻ em còn nhiều hơn.

"Tối đến, học sinh chịu áp lực học hành nhưng ở thế hệ tôi, radio luôn bật và khi học xong, tôi muốn làm việc riêng nên ngày nào cũng đi ngủ muộn", ông thừa nhận. "Tất nhiên là hôm sau tới trường, tôi luôn trong trạng thái buồn ngủ".

Tsuji cho biết đến tuổi trưởng thành, mọi chuyện cũng không khá hơn. Ông muốn ngủ đủ 8 tiếng nhưng không bao giờ làm được. "Có quá nhiều việc phải làm, bất kể là việc nhà hay việc xã hội", ông nói. "Tôi thường đi ngủ lúc nửa đêm hay 1h".

Yanagisawa cảnh báo thiếu ngủ liên quan tới các bệnh trầm cảm, ung thư, tim mạch, tổn thương hệ miễn dịch và nhiễm trùng, gây hậu quả là con người mất khả năng kiểm soát bản thân. Ngủ ít cũng ảnh hưởng tới năng suất lao động, khiến con người làm việc kém hiệu quả và dễ mắc sai lầm hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể ảnh hưởng trí nhớ ngắn hạn và liên quan đến bệnh Alzheimer. "Tôi nghĩ chính phủ đã đúng khi lo lắng về tình trạng thiếu ngủ của người dân vì bản thân tôi cũng rất lo lắng", Yanagisawa nói.

Hồng Hạnh (Theo Mainichi)

Nguồn: VnExpress