Từ Hội khỏe Phù Đổng đến thể thao học đường

Những ngày tháng 4 này, giai đoạn 1 của Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X năm 2024 đồng loạt diễn ra trên 5 khu vực trước khi bước vào giai đoạn 2, thi đấu tập trung ở TP Hải Phòng vào tháng 7.

 

Quy mô mỗi giai đoạn từ 11 đến 15 môn thi đấu, gồm một số môn có tính đặc thù của học sinh như kéo co, đẩy gậy, nhảy đồng diễn… Hội khỏe Phù Đổng được xem là đại hội thể dục thể thao học sinh phổ thông nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, khuyến khích, động viên học sinh phổ thông thường xuyên tập luyện và thi đấu các môn thể thao trong trường học, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, góp phần giáo dục toàn diện.

Hội khỏe Phù Đổng do Bộ GD-ĐT chủ trì, còn ngành thể thao phụ trách các vấn đề về chuyên môn. Hơn 2 thập niên trước, sự kiện này diễn ra với quy mô rất lớn, với hàng chục môn thi đấu và có sự tham gia của nhiều vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp còn trong độ tuổi học sinh. Giống như kỳ hội khỏe tổ chức tại Đồng Tháp vào năm 2000, tỉnh đã xây mới một khu liên hợp thể thao tại TP Cao Lãnh.

Cho đến nay, Hội khỏe Phù Đổng ngày đó là sự kiện thể thao đa môn lớn nhất từng được tổ chức tại đây. Tuy nhiên qua thời gian, Hội khỏe Phù Đổng càng gần với ý nghĩa ban đầu của một “hội khỏe” hơn là một cuộc tranh tài thể thao của học sinh cả nước. Cùng với chu kỳ 4 năm/lần, sức ảnh hưởng của Hội khỏe Phù Đổng không còn nhiều và mục tiêu tìm kiếm tài năng cho thể thao đỉnh cao vì vậy mà nhạt nhòa - một điều hết sức đáng tiếc. Bởi nó phản ảnh phong trào thể thao học đường không theo kịp xu thế cũng như các yêu cầu thời đại. Số lượng học sinh ngày càng tăng, tỷ lệ béo phì hay suy giảm thị lực trong giới trẻ cũng tăng, lẽ ra thể thao học đường phải phát triển mạnh mới đúng.

Ở những đô thị lớn, không thiếu các trung tâm đào tạo, luyện tập thể thao tư nhân để thanh thiếu niên tập luyện nhưng tại các tỉnh thành, địa phương vùng sâu, vùng xa, chính môi trường học đường là nơi tốt nhất cho các em phát triển thể chất cũng như tài năng thể thao. Thể thao học đường là một trong những cột trụ của thể thao đỉnh cao tại các quốc gia phát triển, vì đó là nguồn tài năng có sẵn và rất dồi dào. Cơ sở vật chất ở những trường học không thua kém gì những câu lạc bộ chuyên nghiệp và với những học sinh phổ thông trung học, việc chơi thể thao giỏi cũng là cách họ chọn nghề, tương đương với việc học tiếp cao đẳng hay đại học. Đỉnh cao của thể thao học đường có lẽ là giải bóng bầu dục sinh viên Mỹ, nơi bán bản quyền truyền hình lên đến 1 tỷ USD trong năm 2023.

Còn tại Nhật Bản, ngày khai mạc giải bóng đá học sinh toàn quốc năm 2024 vừa qua thu hút đến 80.000 khán giả, trong một khung cảnh hoành tráng, chuyên nghiệp mà đến giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á như J-League cũng phải thèm muốn. Việc Bộ GD-ĐT duy trì Hội khỏe Phù Đổng đến bây giờ cũng thể hiện sự quan tâm đến thể thao học đường, tuy nhiên dường như sự liên thông giữa ngành giáo dục và ngành thể thao vẫn chưa có những thay đổi mạnh mẽ, hay thể hiện một chiến lược rõ nét đối với thể thao học đường.

Rất nhiều vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên chuyên nghiệp đang là thầy giáo thể chất hoặc ký hợp đồng dài hạn với các trường phổ thông. Một số trường học có những cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, thế nhưng chừng đó vẫn chưa thể tạo ra một nền thể thao học đường chuyên nghiệp đúng nghĩa, khi mà dấu ấn chuyên môn của ngành thể thao vẫn còn thể hiện rất ít trong các trường học.

 

YẾN PHƯƠNG/Theo SGGP