Để Biển Đông là vùng biển hòa bình và hợp tác

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông, các cơ chế hợp tác khu vực đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự ổn định, hòa bình và hợp tác.

 

Sự hiện diện cùng lúc của các cường quốc tại Biển Đông cùng với căng thẳng gia tăng gần đây giữa Trung Quốc (TQ) và Philippines đã đặt ra những rủi ro tới hòa bình và ổn định khu vực. Trước tình hình đó, chuyên gia đề xuất các quốc gia cần tận dụng các cơ chế hợp tác khu vực để thúc đẩy một Biển Đông ổn định, hòa bình và hợp tác.

Hoạt động của các cường quốc ở Biển Đông

Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines ngày 7-4 đã tổ chức cuộc tập trận hàng hải chung trên Biển Đông, theo hãng thông tấn Kyodo News. Quân đội Philippines cho hay cuộc tập trận bao gồm các nội dung tập trận liên lạc, chiến thuật phân chia và các nội dung khác với sự tham gia của tàu chiến Mobile của Mỹ, tàu khu trục Akebono của Nhật Bản và tàu hộ vệ Warramunga của Úc, tàu hộ vệ Antonio Luna của Philippines và một số tàu chiến khác.

Để Biển Đông là vùng biển hòa bình và hợp tác
Tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines tham gia tập trận ở Biển Đông hôm 7-4. Ảnh: X

 

Theo quân đội Philippines, cuộc tập trận bốn bên mang tên “hoạt động hợp tác hàng hải” thể hiện “cam kết của các nước trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua các cuộc tập trận có khả năng tương tác trong lĩnh vực hàng hải”.

Đây là cuộc tập trận toàn diện đầu tiên có sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines. Trong một tuyên bố chung giữa các bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines công bố hôm 6-4, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin nói rằng: “Những hoạt động này với các đồng minh Úc, Nhật Bản và Philippines nhấn mạnh cam kết chung của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng tất cả quốc gia đều được tự do bay, đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Cùng thời điểm trên, Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội TQ thông báo đã tổ chức “một cuộc tuần tra chiến lược hải quân và không quân chung ở Biển Đông vào ngày 7-4”, theo tờ China Military.

“Mọi hoạt động quân sự gây rối tình hình Biển Đông, tạo các điểm nóng đều được kiểm soát” - theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ. Quân đội TQ không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các hoạt động trên.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 8-4 kêu gọi TQ đàm phán nhằm không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ông Marcos hy vọng cuộc tập trận hàng hải vừa kết thúc giữa Philippines với Nhật Bản, Úc và Mỹ sẽ làm giảm các sự cố trên biển với TQ.

Theo hãng tin Reuters.

Thúc đẩy ổn định, hợp tác Biển Đông

Hiện vẫn chưa có phản ứng ngoại giao của TQ về cuộc tập trận bốn bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines - Úc nhưng trước đây Bắc Kinh cũng nhiều lần cảnh báo các quốc gia bên ngoài khu vực không được khuấy động căng thẳng tại Biển Đông. Vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Vương Nghị “kêu gọi một số quốc gia ngoài khu vực không có hành động khiêu khích, chọn phe hay gây rắc rối hoặc vấn đề ở Biển Đông”, theo tờ The Australian Financial Review.

Các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh với cuộc tuần tra của TQ trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila gia tăng trong những tháng gần đây. Do đó, các hoạt động quân sự của Mỹ, có sự tham gia của Philippines, có thể làm gia tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông. Nhằm giảm các sự cố hoặc những tính toán sai lầm, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông, các quốc gia có thể sử dụng các công cụ luật pháp nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, có thể kể đến như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và TQ ký năm 2002, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982...

Bên cạnh đó có nhiều cơ chế, diễn đàn trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi để các quốc gia ngồi xuống đàm phán giải quyết những bất đồng, tìm kiếm tiếng nói chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác vì lợi ích chung. Một số diễn đàn của ASEAN với sự tham gia của các đối tác như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... sẽ là những cơ chế hợp tác đa phương để các cường quốc thảo luận về vấn đề Biển Đông. Thông qua những diễn đàn này, vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ được phát huy hiệu quả.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đề xuất rằng các quốc gia trong khu vực, nhất là ASEAN, cần thúc đẩy ngoại giao kênh 2 (kênh học giả), tăng cường các chương trình ứng phó với các thách thức hàng hải, tích cực chia sẻ thông tin và đẩy mạnh hợp tác cứu hộ trên biển.

Tóm lại, nỗ lực duy trì sự bình yên và ổn định trong khu vực sẽ phục vụ lợi ích của các nước và góp phần tăng trưởng kinh tế toàn cầu.•

Mỹ - Nhật Bản - Philippines sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên vào ngày 11-4 tại Nhà Trắng.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định các liên minh vững chắc giữa Mỹ và Philippines, giữa Mỹ và Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về hợp tác ba bên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác về khí hậu, cũng như tăng cường hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Trong khi đó, vào tuần rồi, Quyền Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Hans Mohaimin Siriban cho hay ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ thảo luận về những sự cố gần đây trên Biển Đông, theo hãng tin Bloomberg.

“Sự hợp tác ba bên này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào” - ông Siriban lưu ý, đồng thời nói thêm rằng trọng tâm chính của cuộc họp là “xây dựng khả năng phục hồi kinh tế” đặc biệt cho Philippines.

Tuy nhiên, ông Siriban hy vọng hợp tác ba bên lần này sẽ giúp “tăng cường năng lực” cho Philippines về an ninh hàng hải và nâng cao khả năng “có thể tương tác với các đối tác”.

VĨNH KHANG/Theo PLO