Bộ Ngoại giao: Báo cáo Cơ chế rà soát quyền con người của LHQ sai sự thật

Việt Nam cho rằng báo cáo về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ 4 của Liên Hợp Quốc có nhiều đánh giá không khách quan, sai sự thật.

 

Liên quan đến nội dung báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết Việt Nam "rất thất vọng" về nội dung báo cáo.

"Chúng tôi rất thất vọng. Mặc dù có sự hiện diện đầy đủ ở Việt Nam, có quan hệ hợp tác lâu dài với các ban bộ ngành địa phương của Việt Nam, nhưng báo cáo riêng của Liên hợp quốc về UPR chu kỳ 4, có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không công bằng, không phản ánh chính xác đầy đủ tình hình, những nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người", ông Việt cho biết trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 11/4.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Theo Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình xây dựng báo cáo quốc gia về UPR chu kỳ 4 của Việt Nam "được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam".

Tuy nhiên, báo cáo riêng của cơ quan Liên Hợp Quốc "không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng báo cáo quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc".

"Chúng tôi cho rằng trong tương lai, các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cần được triển khai phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, cũng như các nhu cầu ưu tiên của Việt Nam", ông Việt nói.

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc xuất hiện từ quá trình cải cách năm 2005 của Liên hợp quốc. UPR định kỳ xem xét tình hình nhân quyền của lần lượt tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ tại Nhóm làm việc về UPR, bao gồm 47 quốc gia thành viên của HRC và do Chủ tịch HRC chủ trì.

UPR là một cơ chế nhân quyền quốc tế được Nhà nước Việt Nam coi trọng. Việt Nam đã tham gia đủ 3 chu kỳ UPR trước đó vào các năm 2009, 2014 và 2019.

HOA VŨ

Nguôn; VTC