Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền LHQ: Không bao giờ được phép thất bại trước các nỗ lực vì quyền con người

Trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) tại Geneva ngày 26/2, các nhà lãnh đạo LHQ nhấn mạnh những nỗ lực cấp thiết để đảm bảo quyền con người trước muôn vàn rủi ro hiện nay.

 

Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền LHQ: Không bao giờ được phép thất bại trước các nỗ lực vì quyền con người
Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 HĐNQ LHQ tại Geneva nhấn mạnh đảm bảo quyền con người trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp hiện nay. (Nguồn: United Nations)

Đảm bảo quyền con người “trong mọi hoàn cảnh"

Phát biểu trước HĐNQ Geneva (Thụy Sỹ) khi bắt đầu phiên họp cấp cao đầu tiên trong năm, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự gia hạn nào thêm đối với hoạt động trên bộ của Israel ở phía Nam Dải Gaza “sẽ không chỉ gây ra nỗi kinh hoàng cho hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn ở đây mà còn ‘đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài’ của các chương trình viện trợ của chúng ta”.

Trong cuộc gặp Tổng Thư ký LHQ bên lề Phiên họp cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh các sáng kiến của Tổng thư ký như “Chương trình nghị sự chung của chúng ta”, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9/2024, đồng thời chia sẻ những nỗ lực gần đây của Việt Nam như thông qua Lộ trình hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030, thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) trong đó có việc triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Tại phiên họp, cơ quan nhân quyền hàng đầu cũng đã nghe người đứng đầu LHQ chỉ ra luật pháp và các quy tắc xung đột đang bị phá hoại như thế nào từ Ukraine đến Sudan và từ Myanmar đến CHDC Congo và nhiều hơn nữa.

Cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ đang suy yếu, Tổng thư ký LHQ nhắc lại mối quan ngại lâu nay của ông. Theo ông, cơ quan quyền lực nhất của LHQ “thường xuyên bế tắc, không thể hành động về các vấn đề hòa bình và an ninh quan trọng nhất của thời đại chúng ta”.

Ông Guterres nhận định, sự thiếu thống nhất của Hội đồng Bảo an về xung đột Nga-Ukraine và về các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 “đã làm suy yếu nghiêm trọng quyền lực của Hội đồng Bảo an”.

Tổng thư ký LHQ thúc đẩy việc cải cách “thành phần và phương pháp làm việc” của cơ quan gồm 15 thành viên.

Trong lời kêu gọi tìm kiếm các giải pháp hợp lý và lâu dài cho những xung đột này cũng như các mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với nhân quyền trên toàn thế giới, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9 tới đây sẽ là cơ hội lý tưởng để các quốc gia thành viên “đẩy mạnh tái cam kết hành động vì hòa bình và an ninh bắt nguồn từ nhân quyền”.

Ông Guterres cũng cam kết sự hỗ trợ toàn cầu của LHQ đối với tất cả các chính phủ trong nỗ lực này, đồng thời thông báo khởi động Chương trình nghị sự bảo vệ của LHQ, với sự hợp tác của văn phòng nhân quyền LHQ, OHCHR.

Tổng thư ký cho biết: “Theo Chương trình nghị sự này, LHQ sẽ đóng vai trò là một tổ chức ngăn chặn các vi phạm nhân quyền, đồng thời xác định và ứng phó với những vi phạm này khi nó xảy ra... Cam kết bảo vệ của tất cả các cơ quan LHQ là: làm hết sức mình để bảo vệ người dân”.

Hành động - việc cần làm ngay

Hoan nghênh sáng kiến của người đứng đầu LHQ và đề nghị giúp thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân “trong mọi hoàn cảnh, bất kể thách thức đến đâu”, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk cảnh báo, nỗ lực của LHQ đang gặp rủi ro nghiêm trọng do “những hành động liên tục nhằm làm suy yếu tính hợp pháp và công việc của LHQ và các tổ chức khác”.

Theo ông Türk, thời gian qua, có nhiều thông tin sai lệch nhắm vào các tổ chức nhân đạo và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Tổ chức này trở thành nơi đổ lỗi cho những thất bại về chính sách.

Trong khi đó, đưa ra cảnh báo rằng luật nhân đạo quốc tế và thậm chí cả Hiến chương LHQ đang bị đe dọa ngày càng rõ trên khắp thế giới, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis nhấn mạn, đã đến lúc tất cả công dân toàn cầu phải chung tay.

Theo ông Francis, hiện nay, 75 năm sau khi Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền được thông qua, xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả mối đe dọa hiện hữu do mực nước biển dâng đã khiến 300 triệu người rất cần được giúp đỡ, hỗ trợ nhân đạo, khoảng 114 triệu người trong số đó là người tị nạn.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta không được phép là những người quan sát nhẫn tâm, càng không thể bị coi là đồng lõa với những người gây ra tội ác… Chúng ta phải hành động”.

Đề cập cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, ông Francis cho rằng, nỗi đau khổ của dân thường vô tội ở Gaza đã lên đến “đỉnh điểm không thể chịu đựng được”.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Francis phát biểu trước đại diện của 47 quốc gia rằng, hơn 90% dân số của khu vực bị ảnh hưởng này đã phải di dời và hiện đang “đứng bên bờ vực của nạn đói và bị mắc kẹt trong vực sâu thảm họa sức khỏe cộng đồng”.

Và khi xung đột vẫn tiếp diễn ở Gaza, “những người dễ bị tổn thương nhất phải chịu đựng nhiều nhất”, “các con tin và gia đình họ đang sống trong đau khổ; phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt với tương lai tuyệt vọng và không chắc chắn; dân thường vô tội bị vướng vào làn đạn chéo đe dọa tính mạng một cách bất công”.

Để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, không chỉ ở Gaza mà còn ở Ukraine, Haiti, Yemen, Sudan…Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh: “Chúng ta không được làm các nạn nhân thất vọng - những nạn nhân của vi phạm nhân quyền… Chúng ta không bao giờ được phép thất bại”.

Ông Francis cũng đề cập sự cần thiết phải có “lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” ở Gaza và các hành lang nhân đạo để cung cấp viện trợ cho khoảng 1,5 triệu người Palestine vô gia cư.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ được đưa ra vài ngày sau khi nhận được lá thư từ người người đứng đầu cơ quan LHQ về người Palestine - UNRWA, cảnh báo về một “thảm họa lớn” ở Gaza và Bờ Tây, trong bối cảnh Israel đóng băng 450 triệu USD của hàng chục nhà tài trợ.

Ông Francis nói: “Tôi mong rằng các quốc gia duy trì những đóng góp của họ vào nguồn tài trợ quan trọng cần thiết để UNRWA thực hiện các trách nhiệm bắt buộc của mình đối với người Palestine. Ngay cả giữa những thách thức đặc biệt hiện nay, UNRWA đã và đang tiếp tục là huyết mạch hỗ trợ không thể thiếu đối với người Palestine”.

PHƯƠNG HÀ/Theo Baoquocte.vn