Mỹ-Trung: Những ngày tháng 4 nóng bỏng

Quan hệ Mỹ-Trung thời gian gần đây nóng ran với loạt diễn biến căng thẳng dù các bên đã và đang cố gắng làm dịu quan hệ.

 

Những ngày gần đây, quan hệ song phương Mỹ-Trung đang chứng kiến loạt diễn biến leo thang trên nhiều lĩnh vực bất chấp các cam kết của hai bên xây dựng mối quan hệ ổn định hơn.

Những ngày tháng Tư “nóng bỏng”

Căng thẳng gần đây nhất trong quan hệ Washington-Bắc Kinh liên quan các cuộc gặp giữa lãnh đạo ba nước Mỹ-Nhật-Philippines. Cụ thể, trong hai ngày 10 và 11-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng và tổ chức các cuộc gặp song phương cũng như thượng đỉnh ba bên, theo đài CNN.

Tại các cuộc gặp, Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết “sắt thép” của Mỹ trong việc bảo vệ hai đồng minh châu Á, đồng thời “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình” ở Biển Đông và biển Hoa Đông trước những “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung Quốc (TQ). Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines ở Biển Đông” là vi phạm hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington với Manila và sẽ nhận lại phản ứng từ Mỹ.

Đáp lại, TQ cho rằng phát biểu của ông Biden là “sự hiểu sai nghiêm trọng” về nước này. “TQ hết sức lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối những cáo buộc ác ý này” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh nói trong cuộc họp báo hôm 12-4.

Những ngày căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tại thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines ở Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C, (Mỹ) ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

 

Bắc Kinh cũng cáo buộc Washington “bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh” và “thường xuyên đe dọa các nước khác bằng các hiệp ước liên minh song phương”, cho rằng hành vi này “vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và làm xói mòn sự ổn định trong khu vực”.

Căng thẳng giữa TQ với Mỹ và các đồng minh của Washington còn thể hiện qua loạt động thái trên Biển Đông và biển Hoa Đông suốt thời gian diễn ra các cuộc gặp. Ngày 7-4, chỉ vài ngày trước cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Nhật-Philippines, ba nước này đã cùng Úc tập trận trên Biển Đông. Cùng ngày, TQ thông báo đã tổ chức “tuần tra chiến lược hải quân và không quân chung” tại vùng biển này. Đáng chú ý, ngay khi cuộc gặp kết thúc, hải cảnh TQ cho biết đã tuần tra ở vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông - khu vực tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Chưa dừng lại ở đó, cuộc chiến Nga - Ukraine cũng tiếp lửa cho những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và TQ. Ngày 12-4, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ tố TQ đang giúp Nga mở rộng năng lực quân sự lớn nhất kể từ thời Liên Xô thông qua việc cung cấp máy móc, linh kiện cho Moscow.

Thậm chí, hôm 9-4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã cảnh báo nguy cơ TQ vượt qua “ranh giới đỏ” của Mỹ nếu cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine. “Đối với Mỹ, sứ mệnh quan trọng nhất của chúng tôi về mặt lịch sử là duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu. Chúng tôi muốn làm rõ với TQ rằng Mỹ có lợi ích chiến lược ở đây” - ông Campbell nhấn mạnh.

TQ nhiều lần khẳng định không cung cấp vũ khí hay linh kiện cho Nga và cũng không liên quan cuộc chiến tại Ukraine.

Cũng cần lưu ý rằng nếu “lằn ranh đỏ” của Mỹ với TQ là an ninh châu Âu, thì “lằn ranh đỏ” mà Bắc Kinh đặt ra cho Washington chính là vấn đề Đài Loan. Trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines, lãnh đạo ba nước đã kêu gọi giải quyết các tranh chấp xuyên eo biển bằng biện pháp hòa bình. Đáp lại, TQ cảnh báo ba nước đồng minh rằng vấn đề Đài Loan “hoàn toàn là vấn đề nội bộ của TQ”. Trước đó, ngày 11-4, TQ đã trừng phạt hai công ty quốc phòng Mỹ vì bán vũ khí cho Đài Loan.

Nỗ lực ổn định quan hệ song phương

Những ngày căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau hôm 15-11-2023 bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại bang California (Mỹ). Ảnh: AFP

 

Bên cạnh các căng thẳng, cũng cần nhìn nhận nỗ lực của hai nước trong thời gian gần đây nhằm xoa dịu quan hệ song phương.

Đầu tiên và đáng chú ý nhất chính là cuộc điện đàm mà Nhà Trắng mô tả là “thẳng thắn” giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 2-4. Trong cuộc gọi, hai nhà lãnh đạo đã trình bày loạt vấn đề tồn đọng trong quan hệ song phương bao gồm kinh tế, thương mại, cũng như vấn đề Đài Loan, TikTok,... Lãnh đạo hai cường quốc cũng cam kết “duy trì các kênh liên lạc cởi mở và quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm”, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có chuyến công du TQ từ ngày 5 đến ngày 8-4. Trong chuyến thăm, bà Yellen đã gặp các lãnh đạo TQ bao gồm Thủ tướng Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cùng nhiều quan chức cấp địa phương. Bên cạnh trình bày các cơ hội hợp tác cũng như những vướng mắc giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng kêu gọi phía TQ duy trì các đường dây liên lạc song phương.

“Trong năm qua, chúng ta đã đưa mối quan hệ song phương ổn định hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua những khác biệt hoặc lảng tránh đối thoại về những vấn đề khó khăn. Chúng ta chỉ có thể đạt được tiến bộ nếu đối thoại thẳng thắn và cởi mở” - đài CNBC dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Ngoài ra, hôm 5-4, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ (INDOPACOM) thông báo các quan chức quốc phòng Mỹ và TQ đã nối lại đàm phán về liên lạc quân sự sau hơn hai năm gián đoạn. Theo Đại tá Lục quân Ian Francis - trưởng phái đoàn Mỹ và là Giám đốc Chính sách Đông Bắc Á thuộc INDOPACOM, việc nối lại đàm phán là “vô cùng quan trọng để tránh tai nạn và thông tin sai lệch”.

Đặc biệt, ngày 16-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp TQ Đổng Quân. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước trong gần hai năm và cũng là lần đầu tiên kể từ khi ông Đổng được bổ nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng TQ.

Lầu Năm Góc cho biết hai bên đã thảo luận về “quan hệ quốc phòng cũng như các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu” bao gồm Biển Đông, cuộc chiến Nga-Ukraine, Triều Tiên và Đài Loan. Cuộc hội đàm được giới quan sát đánh giá là bước đi mới nhất trong sự ấm lên của quan hệ song phương.

Dù vậy, các chuyên gia dự đoán quan hệ Mỹ-trung dự kiến sẽ đối mặt thêm nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt khi năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Viết trên trang East Asia Forum, GS Jia Qingguo tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH Bắc Kinh (TQ) cho rằng các ứng viên tổng thống Mỹ có thể đưa chính sách cứng rắn với TQ vào chương trình tranh cử để tạo lợi thế cạnh tranh, dẫn tới những phản ứng khó lường từ phía Bắc Kinh.

“Nếu một ứng cử viên đảng Cộng hòa đắc cử, tiến bộ đạt được trong việc ổn định quan hệ có thể sẽ bị đảo ngược. Mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ bị treo giữa nhu cầu ổn định cấp thiết và áp lực đối đầu ngày càng tăng. Chiều hướng mà cán cân lịch sử sẽ nghiêng về phía nào vẫn còn phải chờ xem” - theo GS Jia.

Đại sứ Mỹ tại TQ nói về triển vọng quan hệ song phương

Bình luận về quan hệ Mỹ-Trung khi trả lời phỏng vấn công ty truyền thông GZERO Media (Mỹ) hôm 15-4, Đại sứ Mỹ tại TQ Nick Burns nhận định: “Đây là quan hệ cạnh tranh có hệ thống giữa hai nền kinh tế lớn nhất, hai quân đội mạnh nhất và hai xã hội công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Và sự cạnh tranh có hệ thống này khả năng sẽ tiếp diễn đến những năm 2030. Nhiệm vụ của chúng ta là hành động có trách nhiệm và giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột. Bởi vì bất cứ xung đột nào đều sẽ là thảm họa”.

 

Theo PLO