Thế giới hôm nay: 23/04/2024

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 23/4/2024 trên tờ the Economist.

Nguồn: The Economist Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các luật sư đã đưa ra lập luận mở đầu trong phiên tòa xét xử vụ tiền bịt miệng của Donald Trump ở New York. Công tố viên coi vụ kiện là một trong những hành vi “gian lận bầu cử.” Công tố cho rằng các khoản thanh toán đó là nhằm hỗ trợ ông Trump trong cuộc bầu cử 2016, và do đó cấu thành tội kê khai thiếu tiền vận động tranh cử. Thẩm phán Juan Mercan đã nói ông dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong khoảng sáu tuần – và cựu tổng thống phải có mặt tại tòa mỗi ngày khi phiên tòa diễn ra.

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Israel đã từ chức, theo một tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel. Aharon Haliva là quan chức cấp cao đầu tiên từ chức kể từ cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10. Sau các cuộc tấn công, ông đã công khai nhận trách nhiệm vì không thể phát hiện và ngăn chặn chúng. Sự ủng hộ của công chúng dành cho chính phủ của Binyamin Netanyahu đã giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu.

Cảnh sát bắt hàng chục người biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Yale, vài ngày sau khi hơn 100 người biểu tình bị bắt tại Đại học Columbia vì tội xâm phạm trái phép. Joe Biden, dường như đề cập đến các báo cáo về hành vi quấy rối tại các cuộc biểu tình ở Columbia, đã đưa ra tuyên bố rằng “chủ nghĩa bài Do Thái trắng trợn” “hoàn toàn không có chỗ trong khuôn viên trường đại học.” Hôm thứ Hai, hiệu trưởng Minouche Shafik của Columbia đã thông báo các lớp học sẽ được tổ chức qua mạng.

Chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh đạt mức cao nhất mọi thời đại, một phần do đồng bảng Anh rẻ và kỳ vọng Ngân hàng Anh sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, thị trường lo lắng cơn sóng AI đã thúc đẩy bong bóng cổ phiếu công nghệ, và đang chuyển sang các lĩnh vực hoạt động tốt hơn trong FTSE 100, chẳng hạn như hàng hóa cơ bản.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn. Cho đến nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn đang chật vật chống giảm phát: chỉ số giá tiêu dùng của nước này cho thấy giá cả giảm từ tháng 10 đến tháng 1 và chỉ tăng nhẹ kể từ đó. Họ lo ngại việc cắt giảm lãi suất mạnh sẽ làm suy yếu đồng tiền của Trung Quốc và làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong nước.

Một nhóm phiến quân Iraq đã bắn ít nhất 5 quả rocket vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria. Đây là cuộc tấn công đầu tiên kể từ đầu tháng 2, khi lực lượng dân quân thân Iran đóng tại Iraq ngừng tấn công quân đội Mỹ. Nhóm này cho biết họ đã tiếp tục cuộc tấn công sau khi thủ tướng Iraq đạt rất ít tiến bộ trên bàn đàm phán về việc Mỹ rút quân trong chuyến thăm Washington.

Tesla giảm giá ô tô tại nhiều thị trường lớn, trong đó có Mỹ và Đức. Gã khổng lồ xe điện báo cáo lượng giao hàng giảm mạnh trong quý đầu năm 2024, một phần do hỏa hoạn tại nhà máy ở Đức và gián đoạn vận chuyển toàn cầu. Tại Trung Quốc – nơi các đối thủ như BYD bán xe điện rẻ hơn – Tesla đã giảm giá một số ô tô gần 2.000 USD. Tesla sẽ công bố kết quả vào thứ ba.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình kinh tế Đức

Chỉ số quản lý mua hàng ngành chế tạo của Đức trong tháng 3 sẽ được công bố vào thứ Ba. Chúng sẽ cho thấy liệu tình trạng suy thoái tại các nhà máy ở Đức, bắt đầu thuyên giảm vào tháng 1 nhưng trở nên tồi tệ hơn trong tháng 2, có tiếp diễn hay không. Chế  tạo vẫn chiếm khoảng 20% nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Các hiệp hội người sử dụng lao động lớn nhất – đại diện cho nhiều doanh nghiệp trong nước – tiếp tục than thở về tình trạng của nền kinh tế. Theo ngân hàng trung ương Đức, mặc dù kinh tế có tăng trưởng nhẹ trong quý đầu năm nhưng theo số liệu sơ bộ vẫn không có dấu hiệu cải thiện bền vững. Lãi suất cao và chính sách kinh tế thất thường đang kìm hãm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Nhu cầu trong và ngoài nước yếu đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp Đức, trong khi đà phục hồi của ngành xây dựng đang chậm đi.

Nhưng không hẳn chuyện gì cũng xấu: thị trường lao động mạnh và lạm phát đang giảm bớt. Đức có thể tránh được việc rơi lại vào suy thoái.

Tổng thống Phần Lan thăm Thuỵ Điển

Tổng thống Phần Lan phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng. Theo truyền thống, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của vị này sẽ là tới nước láng giềng Thụy Điển, đối tác quan trọng nhất của Phần Lan. Nhưng Alexander Stubb, mới nhậm chức vào ngày 1 tháng 3, đã nhấn mạnh tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng an ninh ở châu Âu bằng việc lần đầu tiên tham dự tập trận của NATO ở Na Uy. Sau đó, ông đến thăm Ukraine và Brussels để gặp tổng thư ký NATO. Đến thứ Ba, ông sẽ có chuyến đi muộn tới Stockholm, nơi ông sẽ gặp Carl XVI Gustaf, vua Thụy Điển, và Ulf Kristersson, thủ tướng nước này.

Người Thụy Điển sẽ không bực bội vì sự chậm trễ này. Cả hai nước đều mới gia nhập NATO và đang bận tâm với mối đe dọa từ Nga, và do đó phòng thủ sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Các nước Bắc Âu đang tăng gấp đôi viện trợ cho Ukraine trong khi cũng vạch ra các kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ. Hơn nữa, ông Stubb cũng có thể nhận được sự đồng cảm nào đó về cái chết của con mèo yêu quý của ông: cả ông Kristersson và Vua Carl Gustaf đều thường xuyên được chụp ảnh cùng thú cưng.

40 năm cuộc chiến chống HIV

Thứ ba này là kỷ niệm 40 năm Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ công bố Robert Gallo, một nhà nghiên cứu người Mỹ, đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh AIDS. Trên thực tế, loại virus này đã được nhà nghiên cứu Luc Montagnier của Pháp phân lập một năm trước đó, dù ông chưa chứng minh được nó là nguyên nhân.

Virus HIV gây suy giảm miễn dịch và được cho là đã giết chết khoảng 40 triệu người. Nó hiện đang lây nhiễm cho 39 triệu người. Song dù không bị đánh bại, HIV đang bị đánh trả. Hiện nay đã có các loại thuốc giúp ngăn chặn triệu chứng, từ đó cứu được mạng sống, và ngăn lây truyền.

Được triển khai bởi các cơ quan y tế trong nước và quốc tế, các loại thuốc này đã hạ tỷ lệ tử vong hàng năm xuống 630.000, từ mức cao nhất là 2 triệu, và tỷ lệ ca nhiễm mới xuống 1,3 triệu từ 3,2 triệu. Về nguyên tắc, việc sử dụng chúng có thể kiểm soát được bệnh. Nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi sự hợp tác và nguồn lực quốc tế phối hợp đáng kể.

Theo Nghiên cứu Quốc tế