Biến đổi khí hậu & huyền thoại con tàu Noah

Việc đưa ra các chính sách về biến đổi khí hậu đòi hỏi một cách tiếp cận khách quan và thông tuệ, gạt bỏ những cảm xúc và rối ren chính trị.

Gần đây tôi mới đọc Báo cáo Tổng hợp về Kinh tế của Việc thích nghi với Biến đổi khí hậu xuất bản năm 2010 của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD). Tôi đã lướt qua nó ở thời điểm xuất bản và tôi nhận ra sự hữu ích khi xem lại nó dưới góc nhìn mới sau 13 năm. IBRD là ngân hàng phát triển lớn nhất thế giới, nó hoạt động song hành cùng Ngân hàng Thế giới ở các quốc gia đang phát triển nhằm giảm nghèo và xây dựng sự thịnh vượng chung. Báo cáo mô tả trung thực với một tinh thần khách quan, chân thực và hỗ trợ những nước đang phát triển. Nội dung và thông điệp của nó vẫn còn ý nghĩa và giá trị nguyên vẹn như thời điểm nó xuất bản. Quả thực, quy mô thời gian đối với việc quản trị biến đổi khí hậu phải được tính bằng nhiều thập kỷ, không phải bằng năm và cần phải lùi một bước khi xác định một chính sách phù hợp; điều này càng trở nên quan trọng ở thời điểm hiện nay, khi chúng ta đang phải đối mặt với sự phân cực ngày càng sâu sắc trong dư luận, hai phía công kích lẫn nhau, được châm ngòi bởi sự ưu ái của truyền thông dành cho những tin tức kích động và chấn động, những nguồn sản xuất tin sai lệch và những cảm xúc bồng bột về một vấn đề đáng ra xứng đáng phải được nhìn nhận một cách có trách nhiệm với sự khách quan và chân thực. 

Đồng bằng sông Cửu Long vừa đối diện với nguy cơ chìm dưới mực nước biển, vừa sạt lở rừng ngập mặn nghiêm trọng. Ảnh: Một phần khu rừng ngập mặn bị chết và sạt lở ở Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Tác giả: Thành Nguyễn.

Báo cáo này dựa trên một nghiên cứu toàn cầu và bảy trường hợp của các quốc gia trong đó có Việt Nam (bên cạnh Bangladesh, Bolivia, Ethiopia, Ghana, Mozambique và Samoa). Mục tiêu của nó là “giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng một cách tiếp cận vững chắc, thống nhất để chống chọi tốt hơn trước những rủi ro khí hậu, bằng cách cung cấp các thông tin về những bài học và kinh nghiệm thu được từ các phân tích về thích ứng với biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu, quy mô quốc gia và quy mô ngành”. Phát hiện chính của báo cáo này đó là phát triển kinh tế, bằng cách tạo điều kiện cho nền kinh tế đa dạng hóa và tạo ra nhiều tài nguyên sẵn sàng để giảm thiểu tối đa các rủi ro, là con đường tốt nhất để thích nghi. Dĩ nhiên, nó phải tính toán cẩn trọng cả những khó khăn và những đặc trưng liên quan đến biến đổi khí hậu và nó đi kèm với một cái giá phải trả: khoảng từ 0.1% đến 0.2% GDP của các quốc gia đang phát triển: một cái giá xấp xỉ bằng tổng vốn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), một phương thức tài trợ dưới dạng tài nguyên vật chất của chính phủ các quốc gia giàu có hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống người dân của các quốc gia nghèo hơn. Báo cáo xác định nhiều chính sách ưu tiên cho việc phát triển kể cả không tính đến biến đổi khí hậu – đặc biệt là chính sách nước sạch và an ninh lương thực – họ gọi đó là “các hành động ít hối tiếc”. Trong một bối cảnh bất định gắn liền với cả những hệ quả của biến đổi khí hậu lẫn những định hướng dài hơi về phát triển kinh tế xã hội, thông điệp chính của báo cáo đó là các quốc gia nên trì hoãn càng nhiều càng tốt những quyết định thích ứng bề nổi mà tập trung vào những “hành động ít hối tiếc” để có thể nâng cao khả năng chống chọi của những ngành dễ bị tổn thương. 

Việt Nam và Bangladesh được chọn vì phần lớn hoạt động kinh tế và cư dân tập trung dọc bờ biển và ở những đồng bằng trũng và vì là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là trước những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt. Quả thật, mức độ tiếp xúc với những hiện tượng thời tiết và thiên tai của Việt Nam xếp hạng ở mức cao nhất giữa các quốc gia đang phát triển. Bão và lũ lụt gây ra những hủy hoại mạnh mẽ và liên tiếp tới nhà cửa và cơ sở vật chất, tới nền nông nghiệp và thủy sản và dẫn đến số người tử vong lớn. Vì lí do đó, báo cáo này tập trung vào ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và cảng biển. 

Bên cạnh những bài học đề cập ở trên (ưu tiên việc phát triển kinh tế, bắt đầu với những lựa chọn ít hối tiếc, đừng vội chạy theo những đầu tư dài hơi trừ phi là dành cho những gì vững chắc và đối phó được với một loạt các hệ quả khí hậu hoặc cho tới khi độ bất định của sự biến thiên thời tiết và khí hậu tương lai thu hẹp lại), báo cáo còn đưa ra những đề xuất khác, tất cả đều đầy sự thông tuệ. Thứ nhất là đầu tư vào vốn nhân lực và giải quyết nguồn gốc của đói nghèo, vốn khuếch đại sự tổn thương trước sự biến thiên thời tiết cũng như biến đổi khí hậu. Báo cáo nhấn mạnh phải triển khai các biện pháp để đối phó với những rủi ro thời tiết mà quốc gia đó vốn đã đối mặt từ trước đến nay, chẳng hạn như phòng vệ trước các cơn bão và lũ lụt ở vùng ven biển hoặc thành phố. Một lời khuyên khác là cẩn trọng với việc tạo ra động cơ khuyến khích xây dựng phát triển ở những nơi phải đối diện với rủi ro thời tiết nghiêm trọng. Cuối cùng, làm sao để cân bằng giữa những giải pháp cứng rắn và mềm dẻo: các chính sách tốt, quy hoạch và các thiết chế là cần thiết để bảo đảm rằng các biện pháp tốn nguồn lực phải được sử dụng vào đúng hoàn cảnh và đạt được những lợi ích mong muốn. 

Thông điệp chính của báo cáo là các quốc gia nên trì hoãn càng nhiều càng tốt những quyết định thích ứng bề nổi mà tập trung vào những “hành động ít hối tiếc” để có thể nâng cao khả năng chống chọi của những ngành dễ bị tổn thương.

Đó vừa là lời khuyên thông thái vừa là tư duy lẽ thường mà các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng phải theo đuổi. Chúng ta còn cách xa những kịch bản dự báo chấn động về một thảm họa rất gần đe dọa sự tồn vong của nhân loại, còn cách xa những mục tiêu phát thải bằng không. Giảm thiểu lượng khí thải carbon sẽ không ngăn được Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng chìm dưới mực nước biển, cũng không giúp gì cho những hủy hoại gây ra bởi sự phá rừng nhiệt đới và rừng ngập mặn. Nó cũng không ngăn Trung Quốc và Ấn Độ khỏi việc đầu tư mạnh mẽ vào những nhà máy nhiệt điện than mới. Nó cũng không khiến Mỹ phải dừng fracking (kỹ thuật khai thác dầu khí sử dụng thủy lực làm nứt đá phiến để dầu khí tràn lên mặt đất, được cho là sẽ gây ra những thay đổi địa chất nghiêm trọng của khu vực đó – ND). Nó cũng không chấm dứt các quốc gia giàu có và phát triển, mới chính là thủ phạm chính trong việc làm tăng nồng độ CO2 trong khí quyển suốt thế kỉ qua, cứ tiếp tục kiêu ngạo rao giảng cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mới chỉ có lượng phát thải trên đầu người bằng ¼ so với những gì họ đang làm. Nó cũng không khiến họ thôi áp đặt thuế carbon lên những mặt hàng họ nhập khẩu từ chúng ta. Nó cũng không ngăn chặn các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (Gulf) và Trung Đông tiếp tục khai thác nguồn dầu mỏ của họ. 

Dĩ nhiên lắng nghe bốn phía, coi trọng trí tuệ và lý trí, không có nghĩa là chúng ta nên giống với các nhà bảo vệ môi trường cực đoan đang làm và coi những vấn đề của biến đổi khí hậu như thể đó là vấn đề tranh chấp chính trị. Đưa ra quyết định chính sách về các vấn đề biến đổi khí hậu và những ưu tiên phát triển cần thực hiện không thể thu hẹp thành quyết định nên tin nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên hay là không. Dĩ nhiên là nó tăng thật, chẳng có gì nghi ngờ rằng con số này đang tăng trong thế kỷ vừa qua, và phần lớn là hậu quả của khí thải nhà kính từ quá trình công nghiệp hóa và bùng nổ dân số. Và cũng chẳng có gì nghi ngờ rằng con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai sắp tới. Đưa ra một chính sách phù hợp đòi hỏi một cái nhìn rộng lớn hơn nhiều về những vấn đề cấp bách, một đánh giá chính xác về những vấn đề ưu tiên nào cần đưa ra giải pháp thích nghi hay giảm nhẹ, một hiểu biết rõ ràng về tác động, cả tích cực và tiêu cực có thể lường trước của thực trạng nóng lên toàn cầu không thể tránh khỏi lên nước mình. Hơn nữa, không có gì nghi ngờ rằng nguồn nhiên liệu hóa thạch đang trở nên cạn kiệt ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam, khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu, và ta nên đón nhận việc chuyển dịch năng lượng hướng đến các nguồn tái tạo và hạt nhân. Không có gì phải nghi ngờ ô nhiễm không khí do đốt các nhiên liệu hóa thạch (không chỉ là CO2 mà còn cả bụi mịn) là vấn đề sức khỏe chính ở các thành phố lớn, do vậy khuyến khích các phương tiện chạy bằng điện, như taxi và xe buýt vẫn hữu ích, kể cả khi cần phải dùng nhiệt điện than và tăng lượng phát thải carbon để cấp điện cho các phương tiện đó. Không có gì phải nghi ngờ các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu sẽ thâu tóm các chính sách phát thải carbon trong tương lai và chúng ta cần thiết phải có nhận thức đủ tốt về động cơ của họ là gì. Không có gì phải nghi ngờ chúng ta cần tiếp tục duy trì các mối quan hệ tốt với Liên Hiệp Quốc và với càng nhiều quốc gia khác càng tốt, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, với những nước tiếp tục hỗ trợ chúng ta vốn ODA và các hình thức tương tự. Đó là những vấn đề chính cần được cân nhắc khi xác định chính sách đúng đắn và các ưu tiên trong đó. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận khách quan và thông tuệ, gạt bỏ những cảm xúc và rối ren chính trị. 

Hoa Kỳ, Trung Quốc đóng góp vào việc làm tăng CO2 trong khí quyển hơn nhiều so với các quốc gia còn lại. Nguồn: Vox.

Rất tiếc, cảm xúc đang dâng trào trong công chúng thực sự không ưu ái cách tiếp cận như vậy. Công chúng ngày càng hứng nhiều thông tin sai lệch, tin vịt và giả khoa học. Trước tình hình các nền tảng mạng xã hội với khả năng thao túng cảm xúc của chúng đã tạo điều kiện để thông tin kiểu đó ngày càng nảy nở và lan tỏa, các chính trị gia lại còn phải buộc mình vào dư luận, bất kể là dư luận đó sáng suốt hay bồng bột; nếu không sẽ làm lung lay cơ hội tái đắc cử của họ. COVID 19, năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu chính là những chủ đề minh họa cho thực trạng này. Hệ quả khủng khiếp là sự phân hóa người dân thành hai phe sỉ nhục lẫn nhau; sự cấm đoán, niềm tin mù quáng, giáo điều, tin vịt và các thuyết âm mưu chiếm chỗ của lý trí. Trong trường hợp của biến đổi khí hậu, tôi nghĩ đến ba nhóm tuyên bố thúc đẩy một cách tiếp cận bình tĩnh đối với những vấn đề liên quan: Nhóm “Climate etc” của Judith Cury, nhóm Clintel Foundation và nhóm sử dụng tiếng Pháp “Climato-réalistes”. Nỗ lực của họ tiến đến sự khách quan và không thiên vị là chân thành. Nhưng giữa đám đông cổ vũ họ, có những người nhân danh sự khách quan, chỉ tham gia để xúc phạm và mạt sát những người ủng hộ các khuyến nghị của IPCC và điều đó vô hình trung đã phá tan những nỗ lực của nhóm. 

Biến đổi khí hậu cũng đang tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các hình thức kinh doanh mới nhưng mục tiêu chỉ để kiếm tiền và lợi nhuận. Các công ty này ngập tràn trên internet với những quảng cáo hứa hẹn sẽ “giúp Việt Nam trong cuộc đua hướng đến phát thải ròng bằng 0”. Họ đưa ra các tuyên bố như “Việt Nam là một nước rất dễ tổn thương tới những tác động của biến đổi khí hậu; và bởi vậy, sự cấp bách giảm thiểu khí thải nhà kính là tối quan trọng”. Vế đầu tiên thì đúng; dĩ nhiên là Việt Nam đã dễ bị tổn thương trước những biến thiên thời tiết hàng thế kỷ nay – một thách thức mà nó vẫn phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng dự báo càng làm trầm trọng hơn tình thế đó của Việt Nam. Nhưng vế sau thì hoàn toàn là vô lý. Tác động của khí thải nhà kính là tầm toàn cầu, không phải khu vực, và việc giảm khí thải của Việt Nam hầu như không có đóng góp đáng kể gì đối với việc giảm khí thải toàn cầu. Chúng ta cần biết nhanh chóng giải ảo những tuyên bố dễ gây hiểu nhầm như vậy. Một lần nữa, tôi không có ý gạt đi nỗ lực thúc đẩy các dạng năng lượng tái tạo, tuy nhiên nguồn năng lượng từ gió và mặt trời đều không ổn định và bao hàm những trở ngại rất lớn liên quan đến khoảng cách tới lưới điện và khả năng đạt công suất tối đa cũng như đối mặt với đêm tối không có ánh nắng và những ngày lặng gió. Sử dụng các dạng năng lượng này đòi hỏi sự quy hoạch cẩn trọng và nghiên cứu sâu những điều kiện làm sao để tối ưu hóa được chúng. 

Lắng nghe bốn phía, coi trọng trí tuệ và lý trí, không có nghĩa là chúng ta nên giống với các nhà bảo vệ môi trường cực đoan đang làm và coi những vấn đề của biến đổi khí hậu như thể đó là vấn đề tranh chấp chính trị.

Dù thích hay không, là những nhà khoa học, chúng ta cần phải nhận diện những vấn đề này một cách trách nhiệm. Có thể ta có xu hướng đứng ngoài cuộc vì nghĩ rằng đấu tranh cho lý lẽ chống lại sự ngu dốt và những thông tin sai lệch rốt cục sẽ chẳng đi đến đâu hoặc đưa ra những tuyên bố “phòng còn hơn chống” để lấy lòng những người bảo vệ môi trường cực đoan thay vì những người phủ nhận biến đổi khí hậu. Hãy cùng cầu mong chúng ta vẫn còn đủ hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn và đủ can đảm để không rơi vào hai cái bẫy này. Khoa học thường xuyên bị sử dụng sai mục đích trong các cuộc thảo luận và cụm từ nổi tiếng “đa số các nhà khoa học đều đồng thuận rằng” đều được cả hai chiến tuyến ưa thích. Nhưng khoa học không phải là sự đồng thuận, đó là sự nghiêm cẩn về trí tuệ và đạo đức. Sự thiếu hiểu biết của đám đông về những khái niệm cơ bản và sơ đẳng về khoa học, như thăng giáng thống kê hay biểu đồ sai số chuẩn để lượng hóa sự bất định, là thực sự nguy hiểm. Tự hút mình vào những thứ kì ảo và thần thoại luôn dễ hơn là tìm hiểu những lý thuyết khoa học, người ta dễ dàng chấp nhận thuyết sáng thế hơn là thuyết tiến hóa của Darwin. Điều đó khiến cho việc dùng sai khoa học đặc biệt dễ dàng. Các ví dụ minh họa điều này đầy rẫy trên internet. Đôi khi lỗi nằm ở các chính trị gia, đôi khi nằm ở các nhà báo, và rất nhiều khi cũng nằm ở chính các nhà khoa học. Động cơ của họ phần lớn là tham nhũng và thỏa mãn sở thích cá nhân, những cũng trong một vài trường hợp hiếm gặp là thiếu hiểu biết và quá ngây thơ. Đại dịch gần đây đã chứng kiến rất nhiều hành động sai lầm, như Tổng thống Brazil cổ vũ việc sử dụng hydroxychloquine kể cả sau khi giới y khoa phủ nhận khả năng điều trị COVID của nó, hoặc Tổng thống Mỹ phủ định những tư vấn khoa học, để rồi đối đầu với tổ tư vấn khoa học nhưng hầu như đứng cùng phía hoặc rất ít va chạm với các phương tiện truyền thông ủng hộ mình. Và chúng ta hẳn biết rõ, có nhiều quốc gia khác cũng phạm lỗi với động cơ tồi tệ như vậy. Nhiệm vụ của chúng ta là phải điều phối và hạ nhiệt những cuộc tranh cãi; phải nhấn mạnh sự phức tạp của những vấn đề cấp bách; phải giải thích rằng thực tế không thể đơn giản thu lại thành đen và trắng, mà nằm đâu đó ở giữa; phải khuyến khích mọi người tư duy với một óc phản biển và cẩn trọng đừng đón nhận quá nhanh những tuyên bố sai lầm, hãy tranh luận bình tĩnh và ngừng công kích lẫn nhau. Chúng ta cần làm rõ rằng công nghiệp hóa và đốt nhiên liệu hóa thạch, cùng với việc gia tăng dân số theo cấp số nhân đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu hơn 10C trong một thập kỷ qua; và nó sẽ tiếp tục tăng; và rằng chúng ta phải thích nghi với điều đó; rằng sự sống còn của loài người trên hành tinh này đúng là phụ thuộc vào sự cân bằng mong manh giữa những điều kiện vật lý điều khiển các đại dương và khí quyển của Trái đất; và nó đòi hỏi việc đảm bảo rằng sự tăng nhiệt độ toàn cầu phải được giữ trong tầm kiểm soát, nhưng chúng ta còn cách rất xa kịch bản khẩn cấp; và điều cấp bách bây giờ, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển, là phải thích ứng với những vấn đề nguy cấp và thách thức mà họ vẫn đang phải đối mặt. Trong đó, biến đổi khí hậu chỉ là một phần và thường là ít tính đe dọa hơn rất nhiều vấn đề khác; và chúng ta nên vận động các quốc gia giàu có hỗ trợ phát triển thay vì rao giảng bài học với mình. 

Sử dụng các loại năng lượng gió và mặt trời đòi hỏi sự quy hoạch cẩn trọng. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/ Shutter.

***

Trước thềm năm mới, cho phép tôi kết thúc bài báo với một chút hài hước. Cho phép tôi nhắc lại một lời biện hộ kinh điển cho các nước đang phát triển trong việc ưu ái các giải pháp thích nghi hơn là các giải pháp giảm thiểu, mà bạn có thể đọc trong kinh thánh, kinh Cựu Ước, ra đời cách đây rất lâu và rất nhiều tôn giáo bao gồm Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo ngưỡng vọng. Văn bản này kể rằng Chúa là người sáng tạo ra Thế giới và muốn đặt vào đó những con người tốt đẹp, sẽ cư xử theo như ông mong muốn. Nhưng nó đã không như thế và Chúa trời tội nghiệp cảm thấy phẫn nộ trước những hành xử sai trái của tạo vật của mình và ông tạo ra đủ loại trừng phạt hòng mong họ quay trở về chính đạo. Cặp đôi đầu tiên mà ngài tạo ra, Adam và Eve, Adam được làm ra từ bùn đất và Eve được tạo tác từ sườn của Adam, đã trái lệnh ngài là tránh xa tri thức và giữ mình mông muội: ông đuổi họ khỏi vườn địa đàng. Con cái của họ, Abel và Cain, một người chăn cừu và một người làm nông, bất hòa và Cain giết Abel: Chúa trời đày anh ta khỏi nhà và buộc anh ta lang bạt khắp thế giới suốt đời; Chúa trời muốn những người đàn ông và đàn bà mình tạo ra phải theo lệnh của mình và nhẫn tâm xuống tay với những người trái lời: Cannaanties của Jerricho trở thành nạn nhân của cuộc diệt chủng đầu tiên và những thành phố của Sodom và Gomorrah bị thiêu hủy vì dám dung chứa những cư dân kiêu căng và phách lối, tai tiếng vì sự xảo quyệt. Có lúc, chiến tranh và sự thối nát đã trở thành một dịch bệnh tới mức Chúa trời quyết định tiêu diệt loài người vô phương cứu chữa này bằng cách nhấn chìm họ dưới một cơn đại hồng thủy kéo dài 40 ngày 40 đêm. Sự thay đổi thời tiết đột ngột làm khuấy động người dân. Những mục sư trong nhà thờ của các ngôi làng giải thích rằng Chúa trời đang trừng phạt hành xử sai trái của loài người và tổ chức các chiến dịch thanh tẩy. Những ngôi làng buộc tội lẫn nhau.

Biến đổi khí hậu cũng đang tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các hình thức kinh doanh mới nhưng mục tiêu chỉ để kiếm tiền và lợi nhuận.

Thông thường trong những tình huống như vậy, những kẻ càng tệ hại thì lại càng to tiếng buộc tội người khác. Các trưởng làng họp nhau lại và quyết định bắt người dân cầu nguyện dài ngày và sám hối về những hành vi sai trái của mình. Chúng ta phải thanh lọc nơi này, họ nói, từ giờ đến cuối tuần phải “giảm hành động sai trái xuống bằng không”! Trong khi phần lớn mọi người bắt đầu cầu nguyện thì một số lại lợi dụng tình hình để càng nhũng nhiễu hơn. Và mưa cứ tiếp tục trút xuống…Trong khi đó, Noah, một người đàn ông vốn có suy nghĩ độc lập, cho rằng thay vì mất thời gian vào những việc tốn sức mà ông cho là không đi đến đâu và vô ích để thanh tẩy mặt đất, quyết định xây một con tàu để trú ẩn cùng với gia đình khi mưa có thể làm lụt cả khu vực. Kinh thánh gọi đó là Huyền thoại con tàu Noah. Ông là một thợ mộc lành nghề và dựng một con tàu đủ chỗ cho cả gia đình và vật nuôi của mình. Vốn là một con người yêu động vật và có tấm lòng rộng mở, ông cũng dành chỗ cho cả những con vật khác, mỗi loài một cặp. Và họ lên đường ngay khi con tàu hoàn thành, cùng với rất nhiều lương thực để sống sót trong vài tuần lễ. Và mưa cứ trút xuống, đầu tiên là làm ngập những ngôi làng trong thung lũng và nhấn chìm người dân ở đó, và nước tiếp tục dâng cao nữa cao mãi cho đến khi sóng nước phủ lên tất cả các đỉnh núi. Sau bốn mươi ngày bốn mươi đêm, mưa cuối cùng cũng tạnh, mực nước biển dần hạ thấp và Noah cùng với những hành khách có thể an toàn đặt chân xuống đất khi con tàu đỗ lại trên một đỉnh núi. Theo Kinh thánh, chúng ta đều là hậu duệ của Noah: Chúng ta nên tiếp bước di sản mà ông để lại, đừng quên rằng thích nghi cấp bách hơn là giảm thiểu. Và có vẻ trên thế giới này vẫn còn tồn tại nhiều sai trái và chiến tranh như trước khi cơn đại hồng thủy diễn ra, chúng ta nên chuẩn bị cho lần tiếp theo…□

 

Pierre Darriulat

Tác giả Gs Pierre Darriulat

Theo Tia Sáng