Bình Thuận đối mặt hạn hán nghiêm trọng

Tuy mới bước vào mùa khô năm 2024, tuy nhiên một số huyện phía Nam của tỉnh Bình Thuận đang đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

 

Chú thích ảnh
Đất đai khô cằn, nứt nẻ nên hơn 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại 2 xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) phải bỏ hoang. 

 

“Rốn hạn” Hàm Thuận Nam

Mới bước vào mùa khô, những tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt nhiều nơi tại huyện Hàm Thuận Nam. Từ đầu tháng 2/2024, hầu như sông, suối, kênh dẫn nước tại địa bàn hai xã  Mỹ Thạnh, Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) đã trơ đáy. Vì không có nước tưới nên hơn 2.000 ha đất sản xuất nơi đây đang bỏ hoang. Trong khi đó, một số khu vực ở xã Hàm Cần, người dân phải đào hố dưới lòng sông để lấy nước sinh hoạt, ăn uống và cho gia súc.

Tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, phần lớn là đồng bào dân tộc sinh sống. Tất cả ruộng đất nơi đây đã bỏ hoang từ tháng 11/2023 đến nay chưa thể sản xuất được. Điều đáng nói, tình trạng đất đai bỏ hoang, cây trồng chết khô, héo úa, người dân không có nước sử dụng đã tồn tại từ nhiều năm qua mà chưa có giải pháp khắc phục

Bà Lê Thị Yên ở xã Mỹ Thạnh cho biết, nhà bà có ruộng, rẫy, nhưng không có nước nên không thể sản xuất. Cả nước sinh hoạt hàng ngày cũng thiếu. Người dân không có nước máy, phải tự đào giếng hoặc lấy nước từ sông suối để sử dụng, nhưng sông suối cũng hết nước.

Chị Nguyễn Thị Nguyện ở xã Mỹ Thạnh chia sẻ, người dân chỉ mong chờ có nguồn nước, để không còn phụ thuộc vào nước mưa. Chưa kể, mùa hạn hán, người dân cũng không có việc làm nên rất mong hồ chứa nước Ka Pét được triển khai để người dân có nước sản xuất quanh năm, thay đổi cuộc sống.

Chú thích ảnh
Hồ Tà Mon (huyện Hàm Thuận Nam) đã hết nước và ngưng hoạt động từ ngày 2/3/2024.

 

Trên địa bàn Hàm Thuận Nam có ba hồ chứa nước lớn là hồ Tà Mon, đập Hàm Cần và hồ Ba Bàu. Qua rà soát, đập Hàm Cần đã hết nước từ tháng 12/2023. Theo đó, hồ Tà Mon đã dừng cung cấp nước từ đầu tháng 3/2024 vì hết nước; hồ chứa nước Ba Bàu dự kiến sẽ dừng cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vào ngày 4/4/2024. Hiện lượng nước ít ỏi của hồ chứa nước Ba Bàu sẽ dùng cung cấp nước thô cho nhà máy nước phục vụ sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, Hàm Thuận Nam hiện là huyện khô hạn nhất cả tỉnh, nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Nước tại các hồ chứa trên địa bàn đã cạn kiệt. Tháng 3 là tháng cuối cùng phục vụ nước sản xuất nông nghiệp, lượng nước ít ỏi còn lại dùng cung cấp nước thô cho nhà máy để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Qua kiểm tra thì tại các xã Hàm Cần, Hàm Thạnh, Tân Lập, Tân Thuận… đang khô hạn nghiêm trọng, gặp khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là nước sinh hoạt.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 76.000 người. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng thiếu nước là do tại các xã khu vực nông thôn chưa được đầu tư công trình cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa… Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt là nguyên nhân chính gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại khu vực nông thôn thời gian qua.

Tính đến cuối tháng 3/2024, lượng nước hiện tại các hồ chứa thủy lợi là: 115/363 triệu m3 đạt 31 % thiết kế. Diện tích đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 365 ha, chủ yếu là thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Diện tích có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 1.175 ha.

Chú thích ảnh
Điểm sâu nhất của suối Bà Bích thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, chỉ còn lại chút nước ít ỏi.

Kỳ vọng chống hạn từ hồ Ka Pét

Một trong những giải pháp chống hạn căn cơ cho huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và một số địa bàn lân cận trong tỉnh Bình Thuận nói chung là việc sớm triển khai xây dựng hồ chứa nước Ka Pét. Có nguồn nước từ Ka Pét, vùng đất khô cằn, sỏi đá của các vùng đồng bào dân tộc nơi đây sẽ có điều kiện phát triển, giúp ổn định cuộc sống và không còn đối mặt với nỗi lo muôn thuở vì thiếu nước.

Hồ Ka Pét được đưa vào quy hoạch thủy lợi từ năm 1995, tuy nhiên do không bố trí được nguồn vốn nên đến năm 2015 tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu xin các thủ tục và đến ngày 26/11/2019 Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Năm 2023 dự án hồ Ka Pét được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 101/2023 với dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3. Diện tích đất sử dụng của dự án là 697,73 ha với tổng mức đầu tư hơn 874 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam khẳng định, việc khẩn trương xây dựng hồ chứa nước lớn để cung cấp nước trên địa bàn huyện là giải pháp căn cơ để chống hạn hiện nay; trong đó, giải pháp nhanh và hiệu quả nhất là sớm triển khai xây dựng hồ Ka Pét cho hạn cho huyện Hàm Thuận Nam.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh, bởi có thể cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Đồng thời, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước ngày 30/4/2024; Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 20/4/2024; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương; Ban Quản lý dự án trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự án trước ngày 30/4/2024.

Hồ Ka Pét là dự án quan trọng cấp Quốc gia và cũng là mong muốn của lãnh đạo, của người dân tỉnh Bình Thuận từ hơn 20 năm qua. Công trình hoàn thành là nhân dân vùng hưởng lợi sẽ không còn lo lắng về vấn đề nước cho sản xuất, cho sinh hoạt mà hàng năm cứ đến mùa khô là chồng chất nỗi lo vì không đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nổi tiếng khô cằn, sỏi đá Hàm Cần, Mỹ Thạnh sẽ có điều kiện vươn lên, đổi thay cuộc sống.

Nguyễn Thanh (TTXVN)

Nguồn baotintuc.vn